Trekking – Khi Thử Thách Không Dành Cho Kẻ Dễ Bỏ Cuộc

| |

Trekking là gì?

Trong “từ điển” phượt, TREKKING là một thuật ngữ không hề xa lạ. Dù là Tây balo hay Ta balo, chắc chắn ai cũng đều trải qua vài chuyến đi trekking trong đời.

Vậy Trekking là gì?

Nó có gì đặc biệt mà ai cũng đam mê được một lần dấn thân trong đời? Bài viết này thay cho câu trả lời từ chính những kinh nghiệm của bản thân mình qua những chuyến đi dài.

trekking-1

Trước tiên, mình sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các thuật ngữ trong Phượt.

Phượt không chỉ là một trào lưu, một xu hướng sớm nở tối tàn mà nó đã tồn tại từ rất lâu.

Phượt cũng là một hình thức du lịch nhưng đã được “ mô li phê” để phù hợp với bản tính phóng khoáng, yêu thích tự do của một bộ phận xê dịch.

  • Không guide ( hướng dẫn viên du lịch)
  • Không commands ( điều khiển)
  • Không có những tấm ảnh lưu niệm mà ai ai cũng chụp ở nơi giống nhau
  • Phượt xóa nhòa mọi khoảng cách, mọi giới hạn, chỉ cần một chiếc balo với tình yêu tự do, khám phá thế giới, bạn đã có thể trở thành một backpacker (khách du lịch bụi).

Tùy vào khả năng và sở thích, bạn có lựa chọn các hình thức khám phá khác nhau như TREKKING, HIKING,CLIMBING, CAVING, FLYING …..

Như đã nói ở phần đầu, mình sẽ tập trung vào hình thức Trekking - một hình thức đi phượt khá phổ biến hiện nay và được đa số giới trẻ lựa chọn.

Định nghĩa về Trekking

Lý do mình chọn Trekking để nói vì đây được coi là một hình thức du lịch mạo hiểm và hành xác nhất.

Xuất hiện trong ngôn ngữ cổ vào thế kỷ XIX và du nhập vào ngôn ngữ Anh, Trekking có nghĩa là một chuyến đi kéo dài và gian khổ bằng đôi chân còn trekker chỉ những người tham gia.

Nếu như Hiking có nghĩa là di chuyển trong những con đường mòn có sẵn lối đi, Climbing là leo núi ở các dạng địa hình khác nhau thì Trekking chỉ di chuyển trên những con đường gồ ghề, đá lởm chởm của vùng ngoại ô với nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng.

trekking-3

Lần đầu Trekking

Lần đầu tiên mình biết đến trekking qua chuyến đi phượt vào Kho Mường, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Thanh Hóa năm 2014 .

Chỉ gần 2 km đường nữa là vào đến Kho Mường, tuy nhiên mình không hề thấy một dấu vết nào của một con đường mòn. Trận mưa lớn nhiều ngày đã biến con đường mòn đất đỏ thành một con dốc nhão nhoét đầy bùn và trơn.

Những chiếc xe máy ngập đến nửa lốp trong bùn, một vài người dân bản địa nhìn mình và các bạn đồng hành với con mắt ngao ngán vì chẳng hiểu tại sao cái lũ dở hơi này lại chán phố thị chui về đây hành xác.

Con đường, đúng hơn là con dốc hàng ngày trâu bò chẳng buồn đi, nay trở thành một thử thách lớn với cả đám, không còn sự lựa chọn nào khác là phải trekking vào làng thôi.

Nỗi lo sợ nhất chính là bị vồ ếch – tụi mình vẫn thường gọi vui vậy khi ai đó bị ngã lúc trek. Đường thì trơn trượt, một bên là bụi cây, một bên là vực.

trekking-4

Để có một chuyến đi an toàn, bạn cần chuẩn bị gì?

#1. Giày

Điều quan trọng nhất khi trek nói riêng và đi phượt nói chung là bạn phải có một đôi giày thật tốt .

Mình đã chứng kiến nhiều bạn đi giày chuyên dụng leo núi hay trek rừng vẫn bị ngã vì đế giày không bám đất. Đắt chưa chắc xắt ra miếng, mình khuyên các bạn nên lựa chọn loại giày bộ đội hàng Việt Nam chất lượng cao, ngon bổ rẻ.

Ngày xưa ông cha ta xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước cũng bằng những đôi giày màu lá mạ nhiều gai ấy, vậy cớ gì chúng ta phải lựa chọn những đôi giày hàng hiệu được quảng cáo rầm rộ mà chất lượng không khá hơn? Ngay cả chính những porter người Mông mình gặp khi trek đỉnh Pha Luông cũng từng nói rằng “ Các anh chị cứ đi giày bộ đội hoặc ủng là tiện nhất”.

Có một đôi giày tốt, tinh thần bạn cũng sẽ vững vàng và tự tin bước đi.

trekking-5

#2. Balo

Tiếp theo là balo, balo của mình không bao giờ có những vật dụng thừa và luôn giới hạn trong cân nặng 5-10 kg.

Mình thường chọn loại balo có dây thắt cố định để tránh trường hợp balo lắc lư khi di chuyển. Thử hình dung xem, mỗi bước chân bạn đi phải nghỉ 1, 2 phút để cố định lại balo, như vậy rất mất thời gian và tốn sức.

Balo cũng chỉ nên giới hạn ở những vật dụng cần thiết như quần áo, đồ dùng cá nhân, dụng cụ y tế, đồ ăn nhẹ, nước uống, đèn pin, ….

trekking-7

#3. Định vị

Mình cảm thấy may mắn hơn các thế hệ đàn anh trước vì những dụng cụ như bản đồ, la bàn, đèn pin, GPS đều được tích hợp trong chiếc smartphone nhỏ gọn, bất cứ lúc nào cần có thể dễ dàng lấy ra sử dụng.

trekking-8

#4. Đồ dùng bảo hộ

Quần áo và đồ dùng cá nhân có lẽ không cần phải nói vì ai cũng có thể chuẩn bị được. Mình chỉ lưu ý cho các bạn về dụng cụ y tế và đồ ăn, nước uống khi đi trek.

Quãng đường trekking có thể dài hay ngắn, địa hình đơn giản hay phức tạp nhưng sẽ lấy đi của bạn phần lớn sức lực và đưa bạn vào những tình huống bất ngờ. Do đó chuẩn bị dụng cụ y tế và đồ ăn, nước uống là một điều vô cùng cần thiết.

Những cung đường như Pha Luông, rừng quốc gia Cát Bà thường có nhiều bụi cây gai và những mỏm đá sắc nhọn, các bạn nên chuẩn bị găng tay, băng cá nhân, dầu gió, cồn y tế và thuốc xịt côn trùng.

#5. Nạp năng lượng khi Trekking

Một vấn đề mà ai cũng gặp phải khi trekking là mất nước và đói.

Bạn không thể uống nước liên tục khi đang trekking cũng như bạn không thể dừng lại thường xuyên để nạp năng lượng được.

Bản thân mình khi trek rừng Cát Bà hay trek đỉnh Pha Luông luôn cảm thấy mất nước dù cơ thể không đổ mồ hôi, mình cũng không cảm thấy đói mà chỉ thấy háo nước thôi. Cứ uống nước thì sẽ cảm thấy người nặng nề, môi miệng càng háo và lười đi.

Sau vài chuyến đi, mình rút ra kinh nghiệm để khắc phục tình trạng này.

  • Mình thường pha Orezol để chống mất nước, các bạn mình thì uống viên C sủi, sâm hay nước có chất điện giải. Ngày xưa khi mình còn tập Taekwondo, thầy giáo có bày một mẹo để tránh uống nhiều nước là ngậm, súc miệng rồi nhổ đi, môi miệng sẽ hết cảm giác háo mà cơ thể không phải nhận thêm nước.
  • Đồ ăn thì cứ thủ sẵn trong túi một thanh socola đen, thi thoảng thấy đói thì lôi ra nhấm nháp. Khoa học chứng minh socola có tác dụng rất tốt với hệ tuần hoàn, não bộ và đặc biệt là giúp tinh thần tốt hơn.

Con đường phía trước không còn xa vời và cái đích ở ngay trước mắt, bản thân mình cũng quên hết mệt mỏi mà cứ thế bước đi.

trekking-7

#6. Di chuyển an toàn

Nhiều người thường chê mình đi chậm, bắt mọi người trong đoàn phải chờ. Nhưng trong cuộc đời đi phượt của mình, nhất là trong những chuyến trekking, mình chưa bao giờ bị ngã và luôn có nhiều bức ảnh lưu lại trên đường đi nhất. (chắc do hơi nặng cân, trọng tâm thấp ^^)

Mình quan niệm rằng trekking không phụ thuộc vào tốc độ, nếu bạn đi trek để lấy “số má” về tốc độ hay khoe thành tích thì bạn nên đăng ký dự thi leo Fansipan cùng với các porter người Mông.

Trekking coi trọng sự an toàn, luôn luôn yêu cầu các trekker phải di chuyển trong cự ly phù hợp để có thể hỗ trợ nhau khi gặp sự cố.

trekking-10

Vì đường đi trekking khá nguy hiểm nên bạn không thể đi một mình, rất dễ bị lạc, nhất là quanh khu vực có suối, nhiều ngã rẽ hay vực sâu.

Nếu khu vực bạn đang đi trek không hề có trên bản đồ hoặc bạn không thể định vị được vị trí, một lời khuyên chân thành mình dành cho bạn là hãy cố bắt chuyện một người dân bản địa gặp trên đường.

Nếu may mắn ở mức bình thường, bạn có thể được chỉ dẫn nhiệt tình. Nếu may mắn ở mức cực kỳ may mắn, bạn có thể sẽ được mời về nhà họ thay vì phải hối hả hạ trại trước khi trời tối, được ăn các món địa phương, được trải nghiệm cuộc sống hoàn toàn khác với những gì bạn đã có ở thành thị.

Hãy nhớ lại lý do bạn tạm rời bỏ cuộc sống hàng ngày nơi đô thị để “hành xác”, phải chăng bạn mong muốn sống một cuộc sống hòa nhịp với thiên nhiên hoang dã để trở về bản nguyên?

Đam mê nhưng hãy giữ mình

Mình vẫn nhớ câu chuyện về Aiden - chàng sinh viên Nhạc kịch người Anh đam mê thử thách free soloing để rồi bỏ mình nơi vực sâu trong khi đáng lẽ cậu ấy đã có thể được cứu sống thực sự làm mình phải suy nghĩ thêm về cuộc đời.

Gia đình là nơi để trở về sau những chuyến đi, mình không thể vì đam mê mà bất chấp tất cả cháy hết mình, để làm buồn lòng những người thân yêu xung quanh. Thỉnh thoảng bạn hãy nghĩ đến cảm giác của họ một chút nhé!

Hy vọng những chia sẻ của mình về những chuyến trekking sẽ giúp ích cho các bạn thật nhiều để đi vui vẻ, an toàn, lưu dấu nhiều kỷ niệm đẹp.

Previous

Mách Nhỏ Khi Chuẩn Bị Trở Về Từ Chuyến Du Lịch Đà Lạt

Kinh Nghiệm Du Lịch Thái Lan Trong Mùa Hè – Những Ngày Trên Nước Bạn

Next

2 bình luận về “Trekking – Khi Thử Thách Không Dành Cho Kẻ Dễ Bỏ Cuộc”

Viết một bình luận